STT | Nội dung câu hỏi, trả lời |
1 |
Câu hỏi 1: Người cấp hộ chiếu có thay đổi thông tin nhân thân so với lần cấp hộ chiếu trước, khi nộp hồ sơ có cần làm đơn hoặc xuất trình thêm giấy tờ gì ngoài Chứng minh nhân dân (CMND)/ Căn cước công dân (CCCD) hoặc Giấy khai sinh hay không?
Trả lời: Hộ chiếu được cấp trên cơ sở CMND/CCCD hoặc Giấy khai sinh (đối với người chưa đủ 14 tuổi). Trường hợp công dân trên 14 tuổi có thay đổi thông tin nhân thân so với lần cấp hộ chiếu trước thì phải làm thủ tục đổi lại CMND/CCCD trước khi cấp hộ chiếu
|
2 |
Câu hỏi 2: Công dân đã chuyển hộ khẩu thường trú từ tỉnh này sang tỉnh khác mà chưa đổi lại CMND/CCCD khi cấp lại hộ chiếu có bắt buộc phải đổi lại CMND/CCCD theo hộ khẩu mới hay không?
Trả lời: Luật Căn cước công dân không quy định công dân phải đổi lại CCCD khi thay đổi nơi thường trú. Tuy nhiên, tại Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/2/1999 của Chính phủ về CMND quy định khi thay đổi nơi đăng ký thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì công dân phải đổi lại CMND. Do đó, đối với người đang sử dụng CMND nếu đã chuyển hộ khẩu thường trú từ tỉnh này sang tỉnh khác thì phải đổi lại CMND trước khi cấp lại hộ chiếu; khi tiếp nhận hồ sơ nếu phát hiện thông tin về nơi đăng ký thường trú trong tờ khai khác với thông tin ghi trong CMND thì cán bộ Công an sẽ yêu cầu công dân làm thủ tục cấp lại CMND (nay là CCCD) theo nơi đăng ký thường trú mới
|
3 |
Câu hỏi 3: Công dân bị mất CMND, CCCD nếu chỉ có hộ chiếu còn giá trị thì có được nộp hồ sơ cấp lại hộ chiếu không?
Trả lời: Tại khoản 3 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định hộ chiếu có giá trị chứng minh quốc tịch và nhân thân và tại Điều 15 Luật này quy định khi làm thủ tục cấp hộ chiếu công dân xuất trình CMND, CCCD hoặc hộ chiếu còn giá trị. Như vậy, nếu công dân có hộ chiếu còn giá trị thì vẫn được xem xét tiếp nhận hồ sơ cấp lại hộ chiếu
|
4 |
Câu hỏi 4: Người có 02 hộ chiếu (Việt Nam và nước ngoài) đã được cấp hộ chiếu Việt Nam và hộ chiếu nước ngoài, khi nhập cảnh về nước bằng hộ chiếu nước ngoài, nhưng sau đó muốn cấp đổi lại hộ chiếu Việt Nam có được không?
Trả lời: Tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định: công dân Việt Nam phải sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để xuất cảnh, nhập cảnh. Do đó, trong trường công dân được cấp đồng thời hộ chiếu Việt Nam và hộ chiếu nước ngoài thì phải sử dụng hộ chiếu Việt Nam để nhập cảnh. Nếu nhập cảnh bằng hộ chiếu nước ngoài thì không xem xét cấp lại hộ chiếu Việt Nam ở trong nước mà công dân tiếp tục sử dụng hộ chiếu nước ngoài để xuất cảnh
|
5 |
Câu hỏi 5: Trường hợp cấp lại hộ chiếu mà hộ chiếu cũ đã hết hạn và bị mất thì có cần nộp bổ sung đơn trình báo mất hay không?
Trả lời: Tại Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định đối với người đã được cấp hộ chiếu, khi làm thủ tục cấp lại hộ chiếu phải nộp lại hộ chiếu cấp lần gần nhất, trường hợp hộ chiếu bị mất phải nộp kèm đơn báo mất. Như vậy, khi cấp lại hộ chiếu không xuất trình được hộ chiếu cấp lần gần nhất thì công dân phải nộp kèm đơn báo mất (kể cả hộ chiếu bị mất đã hết hạn) để cơ quan cấp hộ chiếu có căn cứ kiểm tra, xác thực thông tin (lưu ý: đối với trường hợp hộ chiếu bị mất đã hết hạn thì không đặt vấn đề nộp lệ phí gấp 2 lần so với lệ phí cấp hộ chiếu lần đầu)
|
6 |
Câu hỏi 6: Cán bộ, công chức, CBCS lực lượng vũ trang nộp hồ sơ cấp hộ chiếu đã có công văn đề nghị của cơ quan, đơn vị thì có bắt buộc phải trực tiếp đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để đối chiếu hay không?
Trả lời: Tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định khi đề nghị cấp hộ chiếu, công dân phải trực tiếp đến cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh để nộp hồ sơ. Do đó, trường hợp cán bộ, công chức hoặc CBCS lực lượng vũ trang khi làm thủ tục cấp hộ chiếu mặc dù đã có công văn đề nghị của cơ quan, đơn vị nơi công tác, làm việc vẫn phải trực tiếp đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để đối chiếu
|
7 |
Câu hỏi 7: Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước bằng hộ chiếu Việt Nam, sau đó hộ chiếu bị mất hoặc hư hỏng mà không có giấy tờ tùy thân thì có được cấp lại hộ chiếu hay không, thủ tục như thế nào?
Trả lời: Đây là trường hợp cá biệt và trong trường hợp này cán bộ công an hướng dẫn công dân khai tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu (theo mẫu) đồng thời nộp kèm theo đơn trình báo mất hộ chiếu. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Phòng 5 - Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an sẽ phối hợp Công an cửa khẩu hoặc Đồn Biên phòng nơi công dân nhập cảnh kiểm tra, đối chiếu thông tin xuất nhập cảnh, nếu trùng khớp thì giải quyết cấp lại hộ chiếu, cho nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh
|
8 |
Câu hỏi 8: Có phải tất cả các trường hợp đề nghị khôi phục hộ chiếu đều được tiếp nhận hồ sơ hay không?
Trả lời: Tại khoản 1 Điều 32 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định hộ chiếu bị mất ở trong nước, sau khi tìm lại được còn nguyên vẹn và có thị thực của nước ngoài cấp còn thời hạn thì được xem xét khôi phục. Như vậy, các trường hợp đề nghị khôi phục hộ chiếu nếu thỏa mãn điều kiện nêu trên sẽ được tiếp nhận hồ sơ để được xem xét, giải quyết. Trường hợp xác định người báo mất hộ chiếu khai báo không đúng sự thật thì xử phạt vi phạm hành chính và không khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu bị mất
|
9 |
Câu hỏi 9: Đối với trường hợp công dân phẩu thuật thẩm mỹ sau đó đề nghị cấp lại hộ chiếu cần phải làm thêm thủ tục gì?
Trả lời: Luật Căn cước công dân quy định khi có sự thay đổi đặc điểm nhận dạng thì công dân phải thực hiện thủ tục cấp lại thẻ CCCD. Do đó, trong trường hợp đặc điểm nhận dạng của công dân có sự thay đổi dẫn đến tình trạng nhận diện ảnh của công dân thời điểm đề nghị cấp lại hộ chiếu có sự khác biệt so với ảnh trong hộ chiếu cũ thì công dân phải làm thủ tục cấp lại CCCD trước khi cấp lại hộ chiếu
|
10 |
Câu hỏi 10: Trẻ em dưới 14 tuổi cấp hộ chiếu mà cha mẹ đều ở nước ngoài thì cấp hộ chiếu như thế nào?
Trả lời: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định việc cấp hộ chiếu của người chưa đủ 14 tuổi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự được thông qua người đại diện hợp pháp, việc ủy quyền cấp hộ chiếu của những trường hợp này thực hiện theo quy định của Bộ Luật dân sự
|
11 |
Câu hỏi 11: Người chưa có CCCD đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tạm trú thì thực hiện như thế nào, có cần phải xuất trình sổ tạm trú hoặc xác nhận của Công an xã/ phường, thị trấn hay không?
Trả lời: Không cần xác nhận của Công an xã/ phường vào tờ khai. Trong khi cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh chưa hoàn thiện thì yêu cầu công dân xuất trình sổ tạm trú
|
12 |
Câu hỏi 12: Trẻ em dưới 14 tuổi đề nghị cấp lại hộ chiếu thì tờ khai có cần xác nhận của Công an xã/ phường và có cần nộp bản sao hoặc trích lục giấy khai sinh hay không?
Trả lời: Trường hợp này tờ khai phải có xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh của Công an xã/ phường, thị trấn nơi trẻ em cư trú. Việc nộp kèm theo bản sao hoặc trích lục giấy khai sinh như sau:
- Nếu trước đó trẻ em đã làm thủ tục cấp hộ chiếu ở trong nước thì không phải xuất trình bản sao hoặc trích lục giấy khai sinh.
- Nếu trước đó trẻ em cấp hộ chiếu ở nước ngoài (không có thông tin cấp hộ chiếu ở trong nước) thì phải xuất trình bản sao hoặc trích lục giấy khai sinh.
|
13 |
Câu hỏi 13: - Các trường hợp đủ điều kiện chuyển đổi mục đích thị thực được cấp thẻ tạm trú ngay hay phải làm thủ tục xin cấp lại thị thực trước rồi mới làm thủ tục xin cấp thẻ tạm trú?
- Trường hợp người nước ngoài có thị thực đã được chuyển đổi mục đích sau khi nhập cảnh, chưa dùng để xuất nhập cảnh thì có được xem xét cấp thẻ tạm trú hay không?
Trả lời: Tại Điều 36 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3,NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT thì được cấp thẻ tạm trú. Như vậy, người nước ngoài không thuộc trường hợp được cấp thẻ tạm trú, sau khi đủ điều kiện được chuyển đổi mục đích thị thực (thuộc các trường hợp nêu trên), nếu có nhu cầu cấp thẻ tạm trú thì được xem xét giải quyết (sau khi đã làm thủ tục cấp lại thị thực).
|
14 |
Câu hỏi 14: Người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực DN2 (vào chào bán dịch vụ diện thương mại) sau khi vào Việt Nam được cấp Giấy phép lao động thì có được cấp thẻ tạm trú LĐ2 không?
Trả lời: Người nước ngoài thuộc trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực khi được cấp Giấy phép lao động và xuất trình được phiếu xét duyệt nhân sự của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an thì được xét cấp thị thực ký hiệu LĐ2, sau đó nếu có nhu cầu cấp thẻ tạm trú LĐ2 thì được xem xét giải quyết.
|
15 |
Câu hỏi 15: - Người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài sử dụng thị thực DL về thăm thân chỉ có thân nhân là họ hàng như cô, dì, chú, bác, anh, chị, em... thì có thể giải quyết chuyển đổi mục đích thị thực được không?
- Trường hợp cha mẹ vợ chồng con không còn giấy tờ chứng minh hoặc không mang giấy tờ chứng minh mối quan hệ thì giải quyết như thế nào?
Trả lời: Các trường hợp chuyển đổi mục đích thị thực đã được quy định tại khoản 4 Điều 7 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019). Theo đó, người nước ngoài được chuyển đổi mục đích thị thực để thăm thân khi có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh. Đối với trường hợp đặc biệt thì do lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an xem xét giải quyết.
|
16 |
Câu hỏi 16: - Thị thực, thẻ tạm trú có được cấp ở mức thời hạn tối đa nếu thời hạn đó vượt quá thời hạn Giấy phép lao động hay không?
- Thời hạn thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư có căn cứ theo thời hạn ghi trên giấy xác nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động không (vì chỉ có thời hạn không quá 2 năm)?
Trả lời: - Tại Điều 38 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định việc cấp thị thực, thẻ tạm trú theo đề nghị của cơ quan, tổ chức nhưng không vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động và quy định thời hạn của thẻ tạm trú, cụ thể như sau:
+ Thời hạn thị thực, thẻ tạm trú được cấp ngắn hơn thời hạn còn lại của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.
+ Thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT1 có thời hạn không quá 10 năm.
+ Thẻ tạm trú có ký hiệu NG3, LV1, LV2, LS, ĐT2 và DH có thời hạn không quá 05 năm.
+ Thẻ tạm trú có ký hiệu NN1, NN2, ĐT3, TT có thời hạn không quá 03 năm.
+ Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ1, LĐ2 và PV1 có thời hạn không quá 02 năm.
+ Thẻ tạm trú hết hạn được xem xét cấp mới.
Như vậy, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú không thể cùng hoặc vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động.
- Tại Điều 8 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: thời hạn thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư được căn cứ vào mức vốn góp hoặc địa bàn, lĩnh vực đầu tư theo quy định; không căn cứ vào giấy xác nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động.
|
17 |
Câu hỏi 17: - Nhà đầu tư nước ngoài có vốn góp giá trị dưới 03 tỷ đồng, nếu có Giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động thì được cấp thẻ tạm trú LĐ1, LĐ2 hay thị thực ĐT4; Giấy tờ chứng minh để cấp thị thực ĐT4?
- Giấy tờ chứng minh người nước ngoài là nhà đầu tư là những loại giấy tờ cụ thể nào; giá trị mức vốn góp căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đầu tư hay căn cứ mức vốn thực tế đã đầu tư?
Trả lời: - Tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: người nước ngoài là nhà đầu tư có vốn góp giá trị dưới 03 tỷ đồng và có giấy xác nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động được cấp thị thực theo mục đích đầu tư (ký hiệu ĐT4).
- Tại khoản 1 Điều 154 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: trường hợp người nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty Trách nhiệm hữu hạn thuộc diện phải cấp Giấy phép lao động thì cơ quan quản lý Xuất nhập cảnh sẽ căn cứ vào đề nghị của người nước ngoài (mục đích đầu tư hay lao động) và giấy tờ chứng minh kèm theo (giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam hoặc Giấy phép lao động) để cấp thị thực ký hiệu ĐT4 hay LĐ2.
- Các loại giấy tờ chứng minh người nước ngoài là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức đầu tư tại Việt Nam thực hiện theo Luật Đầu tư năm 2014. Trường hợp nếu thấy có nghi ngờ trong việc xác định số vốn thì có thể trao đổi với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đầu tư để xác định.
|
18 |
Câu hỏi 18: Người nước ngoài đang học tại Việt Nam, sử dụng thị thực TT, VR do cơ quan, tổ chức của cha, mẹ bảo lãnh, nhưng sau đó cha, mẹ về nước và cơ quan, tổ chức không tiếp tục bảo lãnh trong khi khóa học chưa kết thúc thì giải quyết như thế nào?
Trả lời: Tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: cơ quan tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh về việc người nước ngoài được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú còn thời hạn nhưng không còn nhu cầu bảo lãnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam và phối hợp với cơ quan chức năng yêu cầu người nước ngoài xuất cảnh. Như vậy, trường hợp người nước ngoài không được cơ quan, tổ chức ban đầu tiếp tục bảo lãnh có thể tiếp tục học tập tại Việt Nam nếu nhà trường, cơ sở giáo dục nơi họ học tập làm thủ tục bảo lãnh cấp thị thực mới (ký hiệu DH) theo quy định để họ nhập cảnh lại Việt Nam học tập.
|
19 |
Câu hỏi 19: Cơ sở lưu trú thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài như thế nào?
Trả lời: Tại Thông tư số 53/2016/TT-BCA ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định cách thức thực hiện khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam như sau:
- Trường hơp khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử, cơ sở cho người nước ngoài lưu trú phải thực hiện ngay khi người nước ngọài đến đăng ký tạm trú.
- Trường hợp khai báo trực tiếp, cơ sở cho người nước ngoài lưu trú chuyển trực tiếp phiếu khai báo tạm trú cho Công an cấp xã nơi người nước ngoài lưu trú trong thời hạn 12 giờ; đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến đăng ký tạm trú.
|
20 |
Câu hỏi 20: Khi người nước ngoài có thay đổi thông tin về nhân thân (thay đổi số hộ chiếu, thời hạn tạm trú...), cơ sở lưu trú phải khai báo tạm trú lại hay không?
Trả lời: Theo quy định, thông tin về thân nhân (họ tên; ngày, tháng, năm sinh) của người nước ngoài không thay đổi khi thay đổi hộ chiếu (do hết hạn, mất) và được cấp giấy tờ cư trú, tạm trú mới; khi cơ sở lưu trú thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài, thời gian dự kiến tạm trú không quá thời hạn người nước ngoài được phép tạm trú. Do đó, trong thời gian người nước ngoài tạm trú theo dự kiến, việc yêu cầu khai báo lại là không bắt buộc. Tuy nhiên, trường hợp người nước ngoài có thay đổi thông tin về nhân thân, cơ sở lưu trú cần thực hiện một số biện pháp sau:
Cập nhật thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài khi hết thời gian tạm trú dự kiến mà người nước ngoài tiếp tục lưu trú; thực hiện trả phòng khi người nước ngoài kết thúc lưu trú; trường hợp người nước ngoài không xuất trình hộ chiếu, giấy tờ thay thế hoặc phát hiện nghi vấn, cơ sở cho người nước ngoài lưu trú phải thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kiểm tra.
|
21 |
Câu hỏi 21: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 nên việc đi lại giữa các quốc gia trở nên khó khăn hơn, trong trường hợp đặc biệt này người nước ngoài có được gia hạn thị thực (cho gia hạn 2 lần Visa 3 tháng) hay không?
Trả lời: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong thời gian dịch bệnh Covid -19, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an tỉnh xem xét giải quyết cấp thị thực hoặc gia hạn tạm trú cho các chuyên gia theo từng trường hợp cụ thể. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Bình Dương sẽ hướng dẫn Công ty liên hệ trực tiếp với Cục Quản Lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an (theo địa chỉ: số 333-335-337, Nguyễn Trãi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) để được xem xét giải quyết.
|